Tiêu chí "không có em trai" xuất hiện trong rất nhiều lời rao tìm vợ của một sự kiện mai mối với hơn 4.000 người độc thân tham dự, hồi đầu tháng này.
Một thanh niên trong độ tuổi 30 cho biết mình muốn bạn gái có công việc ổn định, xe hơi, nhà nhưng tuyệt đối không được có em trai. Một người khác, sinh năm 1998, sống tại Tế Nam, hi vọng vợ tương lai dịu dàng, chu đáo và "tốt hơn là không có em trai".
Ảnh minh họa: SCMP
Theo cổng tin tức Jimu News, nhiều phụ nữ độc thân đã nhận thấy xu hướng ngày càng phổ biến này. Họ chủ động nêu rõ điều đó trong phần giới thiệu cá nhân. Thông tin của một cô gái 27 tuổi trên bảng tin viết, dù cô có em trai, em cô đang là sinh viên tại một đại học hàng đầu cả nước và học rất giỏi. "Hơn nữa, tôi sẽ không phải fu di mo".
Fu di mo là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Trung Quốc, chỉ những cô gái phải làm quá nhiều việc, thậm chí bị bố mẹ bắt phải hỗ trợ tài chính cho em trai vì truyền thống trọng nam của nước này.
Chuyên gia Zhang Fuhui của Viện Tư vấn tâm lý tương lai Sơn Đông nhận xét, việc đàn ông yêu cầu bạn đời tương lai không có em trai "là điều không bình thường". Theo cô, họ nảy sinh tư tưởng này vì sợ vợ sẽ mải chăm lo cho gia đình mà quên mất hạnh phúc riêng của mình. Dù vậy, cô cũng thừa nhận nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc nuôi con gái chỉ để chăm sóc cho em trai. Từ nhỏ, cha mẹ đã gieo suy nghĩ chị gái nên giúp em.
Sự kiện mai mối nói trên được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Tin tức về sự kiện được xem hơn 93 triệu lượt trên Weibo. Một người dùng Douyin viết: "Vấn đề không phải là bạn có em trai, mà bạn là fu di mo". "Hiện tượng xã hội biến dạng này xuất phát từ một xã hội biến dạng", người khác bình luận. "Họ hàng của tôi là em trai trong một nhà và thật nực cười khi chính anh ta lại đặt ra tiêu chí này khi tìm bạn gái", một dân mạng chia sẻ.
Cũng có người tự nhận là con một và cảm thấy ghen tị với những ai có anh chị em. "Tôi không phiền nếu bạn gái hay vợ có em trai. Giúp đỡ cậu ấy không phải vấn đề to tát", người này khẳng định.
Huy Phương (Theo SCMP)