Một căn bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ não gấp 5 lần nhưng dễ bị mọi người bỏ qua
BS Phạm Hằng |
05/10/2023 13:23
Theo ghi nhận, một bệnh nhân nữ 57 tuổi có tiền sử suy tim – rung nhĩ mạn tính nhiều năm, dùng thuốc chống đông không đều tại nhà. Khoảng 6 giờ trước khi vào viện, người bệnh đột ngột xuất hiện dấu hiệu chậm chạp, nói ngọng, méo miệng kèm theo nửa người trái không cử động được, không co giật. Ngay sau đó, người bệnh được gia đình đưa đến bệnh viện.
Sau khi làm các xét nghiệm và chụp phim cắt lớp vi tính sọ não, bệnh nhân được xác định bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong bên phải và động mạch não giữa bên phải. Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông). Sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo hơn, sức cơ tay chân bên phải cải thiện. Để hồi phục hoàn toàn, người bệnh còn cần phải trải qua một thời gian dài tập luyện phục hồi chức năng vận động.
(Ảnh minh hoạ)
Đây là một trong nhiều trường hợp bị đột quỵ não liên quan đến huyết khối hình thành do bệnh lý tim mạch – bệnh rung nhĩ gây ra. Vậy bệnh rung nhĩ là gì? Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Đột quỵ não gồm 2 thể bệnh chính là nhồi máu não (do tắc động mạch não), chiếm khoảng 80% các trường hợp và xuất huyết não (do vỡ động mạch não), chiếm tỷ lệ ít hơn khoảng 8 – 13%. Chúng ta đã nghe nhiều đến các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu,…
Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm bệnh lý tim mạch đặc biệt là các bệnh rối loạn nhịp tim như bệnh rung nhĩ, cũng góp phần lớn gây ra tình trạng này. Nhiều người thực sự chưa biết là căn bệnh này. Theo thống kê cho thấy, rung nhĩ là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 120.000 trường hợp nhồi máu não mỗi năm và chiếm khoảng 25% tổng số các trường hợp đột quỵ não. Ở bệnh nhân bị rung nhĩ, nguy cơ bị đột quỵ não gấp 5 lần so với người bình thường.
Rung nhĩ là một bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến trên lâm sàng, do rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều. Bình thường, nhịp tim duy trì từ 60 – 90 nhịp/phút đều đặn do nút xoang là nút chủ nhịp điều khiển. Khi bị rung nhĩ, nhịp tim có thể dao động từ 140 – 160 nhịp/phút, có khi lên tới 200 nhịp/phút. Lúc này cơ tâm nhĩ co bóp không hiệu quả và có cảm giác chỉ "rung".
Biểu hiện của rung nhĩ như thế nào?
Nhiều trường hợp khi mới bị bệnh đã có biểu hiện ngay nhưng cũng trường hợp người bệnh không có biểu hiện gì và chỉ vô tình khám ra bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc vì một lý do nào khác. Về cơ bản, các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Cảm giác mệt mỏi, đặc biệt là khi vận động hoặc làm việc.
- Hồi hộp trống ngực là biểu hiện thường gặp nhất. Bệnh nhân thấy nhịp tim đập lúc nhanh, lúc chậm, có lúc cảm thấy thổn thức nhưng cũng có lúc thấy hụt hơi, hẫng nhịp. Hồi hộp trống ngực có thể thành cơn, kéo dài vài phút hoặc lâu hơn, sau đó tự hết, thường gặp trong trường hợp rung nhĩ cơn.
- Có thể có biểu hiện suy tim đi kèm như cảm giác khó thở khi làm việc hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, có cơn khó thở về đêm khiến người bệnh phải ngồi dậy để thở, kèm phù chân, cảm giác tức nặng vùng ngực sau xương ức,…
Khi có biến chứng thì sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng khác đi kèm như nhồi máu não thì người bệnh có thể đau đầu, chóng mặt, chậm chạp, nói ngọng, yếu tay chân,…
(Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ là gì?
Kể cả đối với những người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền cũng có nguy cơ bị bệnh rung nhĩ. Cơ chế gây bệnh chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được được xác định thúc đẩy phát triển rung nhĩ bao gồm:
- Bệnh lý về tim mạch như: bệnh van tim (bệnh van hai lá), bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp,…
- Bệnh lý tuyến giáp như bệnh cường giáp.
- Bệnh lý về phổi như tim phổi mạn,…
- Các bệnh lý khác như hội chứng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường, béo phì…
- Tình trạng lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, cà phê và các chất kích thích
Hậu quả của bệnh rung nhĩ
Khi bị rung nhĩ, cơ tâm nhĩ co bóp không hiệu quả khiến cho máu luẩn quẩn trong buồng tâm nhĩ và thúc đẩy hình thành lên cục máu đông. Cục máu đông này khi được bơm vào hệ tuần hoàn sẽ có cơ hội gây tắc mạch máu mà chúng đến.
Tắc động mạch não gây ra bệnh nhồi máu não; tắc động mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim; tắc động mạch phổi gây ra nhồi máu phổi. Đây đều là các bệnh lý cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Ngoài ra, tâm nhĩ co bóp không hiệu quả sẽ gây ra tình trạng suy tim.
Hiện nay thường không khó khăn trong việc chẩn đoán. Bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ, sẽ được làm xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm doppler tim, đeo máy Holter điện tim (hiệu quả trong việc phát hiện rung nhĩ cơn) và xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Phương pháp điều trị rung nhĩ
Hiện nay có 2 mục tiêu chính là kiểm soát tần số tim và đưa nhịp tim trở về nhịp xoang ban đầu; dự phòng hình thành cục máu đông bằng cách sử dụng các thuốc chống đông.
Điều quan trọng, người bệnh khi có các dấu hiệu bất thường như cảm giác mệt mỏi quá độ, hồi hộp trống ngực, khó thở,… cần sớm nhập viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Khi đã được chẩn đoán bị rung nhĩ, cần bắt buộc phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc, đổi thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
Trường hợp nữ bệnh nhân ở trên đã bị biến chứng của bệnh do dùng thuốc chống đông không đều. Chủ động phòng tránh bệnh rung nhĩ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh như: hạn chế căng thẳng, stress; không hút thuốc lá, hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, giảm cân, kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch,…
Việc phát hiện và điều trị rung nhĩ rất quan trọng, bởi kể cả khi đã được dùng thuốc chống đông dự phòng thì nguy cơ bị biến chứng trong đó có đột quỵ não vẫn ở mức cao đối với người bệnh.
Đàn ông sau 55 tuổi vẫn “thỏa mãn” 3 điều khi thức dậy buổi sáng thì xin chúc mừng, cơ thể còn rất sung sức