Không ít gia đình đang phải đối mặt với tình trạng tủ quần áo có mùi khó chịu. Thay vì sử dụng túi thơm, tại sao bạn không thử tìm rõ nguyên nhân và cách xử lý triệt để mùi hôi, giữ cho tủ quần áo luôn thơm tho trong quá trình sử dụng.
Nguyên nhân tạo ra mùi hôi trong tủ quần áo
Điều kiện ẩm ướt và không khí kém lưu thông là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi khó chịu trong tủ quần áo. Ngoài ra, cũng có một số lý do khác nữa như:
- Tủ quần áo quá chật khiến không khí không thể lưu thông, theo thời gian tạo ra mùi khó chịu.
- Quần áo ẩm ướt đã được cất vào trong tủ làm hình thành nấm mốc cũng là nguyên nhân gây ra mùi trong tủ quần áo.
- Độ ẩm cao và chất lượng bảo quản của tủ kém sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc hình thành cũng có thể là nguyên nhân tạo ra mùi khó chịu khi mở tủ.
Ngoài ra, thú cưng cũng có thể là một nguyên nhân. Nhiều vật nuôi có sở thích chui vào tủ quần áo. Mùi từ vật nuôi để lại trong tủ kết hợp với không khí lưu thông kém tạo ra mùi hương khó ngửi trong tủ.
Các bước khắc phục mùi hôi trong tủ quần áo
Bước 1: Làm trống tủ quần áo
Bạn sẽ không thể tìm ra nguyên nhân chính xác trong số các nguyên nhân kể trên khi đối mặt với một tủ quần áo chật cứng. Vì thế bước đầu tiên cần làm để đối phó với mùi hôi trong tủ là lôi hết quần áo ra bên ngoài.
Bước 2: Kiểm tra
Một tủ quần áo trống rỗng sẽ rất dễ dàng để bạn phát hiện ra nguyên nhân gây mùi hôi trong tủ. Có thể đó là phân chuột, nước tiểu vật nuôi hay một vùng nào đó bị ẩm. Ngay lập tức, bạn cần giải quyết các yếu tố gây ra mùi khó chịu, làm sạch tủ, lau chùi thật kỹ với nước khử trùng.
Bước 3: Làm sạch tủ
Bạn cũng cần làm sạch bụi bẩn tích tụ trong tủ bấy lâu nay. Hãy dùng máy để hút sạch bụi ở mọi khu vực thành và góc tủ. Sau đó dùng hỗn hợp gồm 1 phần giấm pha với 3 phần nước lau chùi trong tủ, các thanh treo quần áo. Bạn cũng có thể thêm vài giọt tinh dầu có mùi hương yêu thích vào dung dịch lau chùi nếu muốn.
Khi đã vệ sinh và làm sạch tủ xong xuôi, bạn cần để cho tủ thật khô ráo. Nếu tủ nhỏ có thể đem phơi một chút dưới ánh nắng mặt trời hoặc sử dụng máy sấy ở nhiệt độ cao để làm khô tủ quần áo. Việc này giúp đảm bảo không để nấm mốc có cơ hội hình thành bên trong tủ quần áo của gia đình.
Bước 4: Thu dọn lại quần áo
Trong lúc chờ tủ khô, bạn hãy tranh thủ kiểm tra lại đống quần áo vừa được lôi ra từ tủ trước đó. Những bộ quần áo đã hơn một năm chưa được mặc tới thì nên được loại bỏ ra khỏi tủ. Ngoài ra, những bộ quần áo trái mùa cũng nên cho vào túi riêng cất đi thay vì để trong tủ.
Như đã nói phía trên, không khí kém lưu thông cũng là nguyên nhân làm phát sinh mùi hôi trong tủ quần áo. Vì vậy khi treo quần áo vào tủ, bạn nên lưu ý chừa khoảng trống để không khí có thể lưu thông. Những bộ quần áo dài nên được xếp ở 2 bên tủ để tránh cản trở luồng khí.
Bước 5: Cải thiện luồng không khí trong tủ
Để giữ cho tủ quần áo luôn được thơm tho sau khi đã sắp xếp lại, bạn có thể tham khảo một và mẹo nhỏ dưới đây.
- Kẹp giấy thơm quần áo ở cánh tủ để mỗi lần lựa chọn quần áo, bạn lại ngửi được hương thơm dễ chịu nhất.
- Treo một túi than hoạt tính trong tủ để khử mùi một cách tự nhiên.
- Sử dụng túi đựng thảo mộc khô để tạo hương thơm tự nhiên, dễ chịu hơn cho tủ quần áo gia đình.
- Đặt thêm túi hút ẩm trong tủ để đảm bảo không thể hình thành nấm mốc.
Theo Housewifehowtos
Theo Vân Sam