Liên tiếp các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ: Bác sĩ khẩn thiết đưa cảnh báo
Tử vong, ngừng tim khi chạy bộ
Mới đây, tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024 diễn ra sáng 14/4, nam thanh niên 34 tuổi bỗng ngã gục, ngừng tim trên đường chạy khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m. Người này sau đó được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024 thu hút gần 5.000 người tham gia (Ảnh: BTC)
Trước đó vào ngày 23/3, ban tổ chức giải chạy Vietnam Ultra Marathon 2024 tại Hòa Bình xác nhận một vận động viên đã tử vong khi tham gia giải chạy này. Trong quá trình chạy, một số người chạy phía sau thấy một vận động viên chạy trước có dấu hiệu sức khỏe bất ổn nên đã tiến lại gần để giúp đỡ. Vận động viên này sau đó ngất xỉu. Những người cùng đoàn đã báo tin cho ban tổ chức để tiến hành công tác cứu hộ.
Trước đó vào ngày 2/3 tại tỉnh Quảng Bình, 1 nam sinh lớp 9 đã tử vong sau khi tham gia giải chạy cự ly 200 mét tại Hội khỏe Phù Đổng huyện Quảng Trạch năm học 2023 - 2024. Theo đó, sau khi hoàn thành nội dung thi, em học sinh có biểu hiện mệt mỏi, được các thầy cô dẫn đi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, diễn biến sức khỏe của em vẫn không ổn định. Em này được lực lượng y tế sơ cứu và sau đó đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình nhưng không qua khỏi.
Điều nhất định phải làm trước khi chạy bộ
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh, cho biết với các giải chạy phong trào nở rộ như hiện nay, nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ thì còn có thêm người tử vong trên đường chạy.
Đa phần các trường hợp tử vong trên đường chạy đều có vấn đề về sức khỏe tim mạch mà không được tầm soát trước đó. Có khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước.
"Đối với vận động viên nghiệp dư, khi tham gia giải chạy phong trào sẽ rất nguy hiểm nếu như họ không kiểm tra sức khỏe tim mạch chặt chẽ", PGS Nam nói.
Đồng thời, PGS Nam nêu quan điểm đối với các giải chạy cự lỵ từ 5000m trở lên thì không nên cho người nghiệp dư tham gia.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ có thể do vấn đề tim mạch trước đó. Khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn; nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, ngừng tuần hoàn.
Do vậy, bác sĩ Mạnh khuyến cáo trước khi chạy bộ đường dài, mỗi người cần đi tầm soát sức khỏe tim mạch. Ban tổ chức cũng cần bắt buộc người tham gia tầm soát sức khỏe tim mạch, bác sĩ Mạnh nói.
"Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra với người Việt vậy? Khi mà mọi người có thể bỏ ra số tiền 1-2 triệu để đăng ký tham gia giải chạy, nhưng không thể bỏ ra 500.000 đồng đi khám sức khỏe tim mạch", bác sĩ Mạnh nói.
Người dân cần tầm soát sức khỏe tim mạch trước khi chạy bộ đường dài (Ảnh minh họa)Ai không nên chạy bộ?
Riêng đối với người có bệnh lý tim mạch, PGS Nam khuyên không nên tham gia chạy bộ hay những bộ môn thể thao đối kháng. Thay vào đó, đối tượng này nên tập thể dục nhẹ nhàng, bơi, đi bộ, yoga.
Bác sĩ Mạnh nhận định người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp không nên tham gia các bộ môn đối kháng, tăng giảm cường độ đột ngột, hoặc bộ môn thể thao cường độ cao… do có thể gây ra tăng giảm huyết áp đột ngột, khó kiểm soát và tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, đột tử.
-> Sai lầm thường gặp ở người chạy bộThúy Ngà