Lời tòa soạn:
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, những người lính trong CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định lại có dịp giao lưu. Những hồi ức một thời hào hùng lại được khơi dậy.
VietNamNet ghi lại hồi ức của người lính biệt động trong thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc.
Tại một cơ sở đảm bảo chiến đấu của Biệt động Sài Gòn, cuộc gặp bất ngờ sau 48 năm ngày giải phóng đã diễn ra giữa hai người lính hoàn toàn không biết về sự có mặt của nhau trước đó. Đó là nơi một người đóng thùng xe bí mật chở vũ khí, một người xuất phát từ chiếc xe đó đi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968.
Từ garage đóng thùng xe hai đáy bí mật chở vũ khí
Cuộc gặp giữa ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), cựu chiến binh Biệt động Sài Gòn và ông Trần Văn Chinh, người đóng thùng xe hai đáy bí mật cho lực lượng biệt động dùng để chở vũ khí tấn công các mục tiêu trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 hơn nửa thế kỷ trước, đã gây xúc động cho những người chứng kiến.
Ông Phan Văn Hôn và ông Trần Văn Chinh trong cuộc hội ngộ bất ngờ tại garage Biệt động Sài Gòn 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10. Ảnh: Sao Mai
Cuộc hội ngộ diễn ra tại garage Biệt động Sài Gòn (garage Tự Lực số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10). Đây là nơi ông Chinh từng làm việc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Khi gặp mặt lần đầu, hai ông không hề biết về sự tồn tại của nhau trong quá khứ. Tuy nhiên, những kỷ niệm và câu chuyện về trận tấn công các mục tiêu trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và quá trình hoạt động bí mật của lực lượng biệt động thực sự là sợi dây xuyên suốt, kết nối hai người cựu chiến binh tưởng như xa lạ, trở nên thân thuộc hơn bao giờ hết. Trong mỗi người đã sống lại những ký ức, kỷ niệm, và cả nỗi niềm tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh hoặc dần rời xa vì thời gian.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Văn Chinh quê ở Củ Chi được ông Dương Văn Đức (Hai Đức) là chủ garage Tự Lực cưu mang, nuôi dưỡng và dạy nghề đóng mới cũng như sửa chữa xe. Ông Chinh mồ côi mẹ từ khi 9 tháng tuổi. Năm 1952, mẹ ông bị giặc Pháp bắn chết khi bà ngăn chặn chúng xâm hại phụ nữ ở quê hương Củ Chi. Người mẹ hy sinh, ông Chinh bị đạn giặc bắn xuyên trúng bụng ngay trong vòng tay mẹ. Rất may ông được đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua khỏi. Đến năm 1967, cha ông cũng hy sinh khi đương nhiệm bí thư chi bộ xã vì bị biệt kích Mỹ sát hại.
Trong sự xúc động, ông Trần Văn Chinh kể lại những ngày tháng được ông Dương Văn Đức chủ garage Tự Lực cưu mang. Garage của ông Đức có quy mô lớn và duy nhất ở Sài Gòn thời kỳ đó. Dựa vào danh thế và những mối quan hệ của mình, ông Dương Văn Đức trở thành một cơ sở phục vụ đắc lực cho lực lượng biệt động thành.
Ông Trần Văn Chinh kể về quá trình làm việc tại garage và những đóng góp cho cách mạng của ông Dương Văn Đức. Ảnh: Sao Mai
Ông Chinh là một thanh niên hiền lành, chịu khó, giỏi nghề và hết mực trung thành nên được ông Hai Đức tin tưởng giao cho thiết kế thùng xe hai đáy cho “khách”. Người khách ấy chính là ông Trần Văn Lai - một cán bộ của lực lượng biệt động thành- có nhiệm vụ đào hầm và vận chuyển vũ khí về cất trữ, phục vụ cho kế hoạch chiến lược tổng tấn công Sài Gòn.
Ông Chinh chia sẻ trong buổi hội ngộ với ông Bảy Hôn: “Anh em thợ ở nhiều vùng miền đều là con em cán bộ cách mạng mà ông dám chở che, nuôi giấu, và bảo vệ không phải đi quân dịch. Riêng về công tác bí mật phục vụ cho biệt động chúng tôi không được biết đến, hoặc người thân cận như tôi cũng chỉ biết một phần. Tôi thực sự cảm kích chú Hai đã âm thầm, chịu đựng làm công tác cách mạng mà không kể công với ai”.
Làm việc tại garage đến năm 1973 ông Chinh ra chiến khu đi bộ đội và tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.
Mạng lưới hậu cần bí mật
Ông Bảy Hôn, người chiến binh cùng đồng đội của Đội 5 Biệt động xuất phát đi trên chiếc xe hai đáy có thùng bí mật chở vũ khí tham gia cuộc tấn công Dinh Độc Lập do ông Chinh thiết kế, không giấu được sự xúc động khi ôn lại chuyện năm xưa.
Trong ký ức của ông Bảy Hôn, ngày 27 Tết Mậu Thân 1968 Đội 5 biệt động Sài Gòn đang ăn Tết tại cơ sở ở Trảng Bàng (Tây Ninh), mục tiêu công kích vẫn được giữ bí mật.
Garage Biệt động Sài Gòn hiện đã được con cháu tôn tạo, phục dựng, trở thành một điểm quan trọng trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa của Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Sao Mai
Tại cuộc họp trước trận đánh chiều mùng 1 Tết ở hầm vũ khí bí mật của ông Trần Văn Lai trên đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần ngày nay), đội trưởng Ba Thanh thông báo mục tiêu của đội là Dinh Độc Lập, phải giữ trận địa 15-30 phút, chờ quân chi viện tới.
"Nghe thế tụi tui ồ lên vui sướng, hãnh diện khi được đánh mục tiêu rất quan trọng. Càng vui sướng hơn khi tận mắt thấy khối lượng vũ khí đến hơn 2 tấn được cất giữ tại hầm cẩn thận” - ông Bảy Hôn kể lại. Ông thực sự cảm kích trước công tác hậu cần, đảm bảo chiến đấu đã đưa được một lượng vũ khí khổng lồ vào tận trong lòng địch.
Cuộc tấn công của Đội 5 vào mục tiêu Dinh Độc Lập cùng các mục tiêu khác của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán Paris, rút quân khỏi Việt Nam. Đó là tiền đề quan trọng góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Ban chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã đặt văn phòng làm việc 2 tại Garage Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Sao Mai
Do sự hoạt động ngăn cách, bí mật của Biệt động Sài Gòn nên các cán bộ chiến sỹ biệt động hoạt động cùng một đội nhưng không biết tên tuổi, quê quán, gia đình của nhau. Chính vì vậy, đến ngày hôm nay, ông Bảy Hôn mới bất ngờ được gặp ông Trần Văn Chinh, một trong những người âm thầm đóng góp vào công tác đóng thùng xe hai đáy, vận chuyển vũ khí.
Garage Biệt động - một cơ sở quan trọng
Theo tư liệu của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, trong kháng chiến chống Mỹ, cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) là nơi canh gác, bảo vệ cho cán bộ cấp cao của Quân khu Sài Gòn - Gia Định và chỉ huy của lực lượng biệt động khi hội họp, tạm trú, giao nhận quân, trao đổi thư từ, tài liệu bí mật…
Chủ nhân của garage là ông Dương Văn Đức đã tổ chức cho thợ đóng thùng xe hai đáy bí mật cho nhiều chiếc xe của Biệt động Sài Gòn, dùng để vận chuyển vũ khí từ căn cứ về cất giấu trong các hầm bí mật trong nội thành, phục vụ cho chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
Ngoài ra, ông Dương Văn Đức với vai trò là đoàn trưởng ngành sửa chữa ô tô đã đóng góp nhiều tiền vàng cho cách mạng gây dựng lại lực lượng sau Mậu Thân. Sau 1973, ông Đức ủng hộ vật chất và xe ô tô Citroen để chở quà vào nhà giam Thủ Đức và Tân Hiệp (Biên Hòa) nuôi dưỡng các tù nhân cách mạng bị địch giam giữ.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Đức là thành viên nòng cốt, ủng hộ may cờ giải phóng, in truyền đơn kêu gọi đồng bào Sài Gòn - Gia Định ủng hộ đón chào Đoàn quân giải phóng.
UBND quận 10 đã đề xuất xem xét công nhận, xếp hạng nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám là di tích lịch sử - văn hóa và được đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành một điểm quan trọng trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa của Biệt động Sài Gòn.
Mới đây, CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã đặt văn phòng làm việc 2 tại garage để phục vụ các nhiệm vụ của câu lạc bộ và làm công tác tương thân, ái hữu cho bà con nhân dân.
Sao Mai