Có dịp đến xã An Sơn trong một chuyến công tác cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hình ảnh con đường dài gần 2 km nối giữa hai thôn Quang Bí và Đoàn Kết giờ đây không còn là con đường đất nhỏ hẹp, ngày mưa thì trơn trượt, ngày nắng thì lồi lõm, gập ghềnh nữa mà đã được trải bê tông sạch đẹp.
Người dân xã An Sơn bê tông hóa đường giao thông nông thôn
Ông Triệu Văn Thùy, Trưởng thôn Quang Bí cho biết: Để có được con đường bê tông như hiện nay là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân. Ngay khi có chủ trương của xã về thực hiện công tác vận động người dân hiến đất làm đường GTNT, chi bộ thôn đã tổ chức các buổi sinh hoạt để triển khai cụ thể đến từng đảng viên; tổ chức các cuộc họp thôn, lấy ý kiến của người dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… Nhờ tích cực tuyên truyền, từ năm 2020 đến nay, người dân trong thôn đã hiến trên 12.000 m2 đất để làm đường GTNT, trong đó có khoảng 300 m đường trục thôn, còn lại là đường trục xã.
Là một trong những hộ điển hình tham gia phong trào hiến đất, ông Triệu Văn Bộ, thôn Quang Bí cho biết: Đối với những người nông dân sống dựa vào ruộng vườn như chúng tôi, tấc đất là “tấc vàng”. Mặc dù vậy, khi được trưởng thôn tuyên truyền, vận động và thấu hiểu được nỗi vất vả của con em khi phải đi trên con đường mòn, nắng bụi, mưa lầy, năm 2022, gia đình tôi đã hiến gần 1.000 m2 đất lâm nghiệp để làm đường giao thông.
Không chỉ gia đình ông Bộ và người dân tại thôn Quang Bí, những năm qua, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã đã đồng lòng, tích cực hiến đất để làm đường GTNT. Từ năm 2020 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã hiến trên 88.500 m2 đất làm đường GTNT. Trong đó, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, người dân đã hiến trên 8.500 m2 đất để xây dựng 2 tuyến đường trục xã. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân, đến nay, xã đã bê tông hóa được 68% đường trục xã dài 14,5 km; đường trục thôn được cứng hóa đạt 59% với chiều dài trên 14,7 km.
Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã An Sơn được sáp nhập từ 3 xã gồm: Đại An, Tràng Sơn, Chu Túc từ ngày 1/1/2020. Hiện nay, toàn xã có 13 thôn, hơn 1.470 hộ với trên 6.550 nhân khẩu. Sau khi sáp nhập, An Sơn trở thành xã có diện tích lớn nhất trên địa bàn huyện Văn Quan. Do địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi, người dân sinh sống rải rác, trước đây đường từ trung tâm xã đến các thôn chủ yếu là đường đất, bà con đi lại rất khó khăn. Để cải thiện hạ tầng giao thông, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào phong trào hiến đất làm đường GTNT.
Để người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc hiến đất, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, trưởng thôn, người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, chính quyền xã đã tuyên truyền qua nhiều hình thức như: phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép về xây dựng NTM; phân công nhiệm vụ cho các cán bộ xã trực tiếp tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn để tuyên truyền, vận động người dân… Đối với những hộ chưa đồng thuận, chính quyền xã phối hợp với các đảng viên, người có uy tín tại thôn trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để trao đổi, giải đáp thắc mắc… Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao.
Ông Trần Thế Tỉnh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan cho biết: Mặc dù không phải là xã điểm của tỉnh hay của huyện về xây dựng NTM nhưng An Sơn là một trong những xã có phong trào hiến đất làm đường GTNT sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn. Từ diện tích đất hiến của người dân đã góp phần tạo mặt bằng sạch để mở rộng các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông của xã.
Phong trào hiến đất làm đường GTNT của xã An Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra tiền đề quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Đồng thời, với hệ thống giao thông được mở rộng, bê tông hóa đã góp phần giúp người dân thuận tiện trong đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của xã và làm diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.