Thầy hiệu trưởng của những trường khó khăn

17/10/2022 19:11
TTO - Nhiều người gọi thầy Phan Viết Hải là hiệu trưởng của những trường khó khăn. 29 năm công tác trong ngành giáo dục, có tới 26 năm thầy Hải làm hiệu trưởng của 6 trường tiểu học khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh.

 

Thầy hiệu trưởng của những trường khó khăn

Thầy Phan Viết Hải trong một lần xuống lớp kiểm tra, động viên khích lệ các em học sinh - Ảnh: LÊ MINH

Hiện thầy Phan Viết Hải đang làm hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Trong năm học 2021 - 2022, tập thể nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, UBND tỉnh Hà Tĩnh trao tặng cờ thi đua xuất sắc, riêng thầy Hải được UBND tỉnh tặng bằng khen và được bình chọn là "Nhà giáo tiêu biểu năm 2022".

Thầy Hải quan tâm đồng đều đến tất cả các mặt giáo dục, từ đó tạo ra hiệu quả trong công tác giảng dạy cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Việc này không phải hiệu trưởng nào cũng làm được.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh (bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

Thay đổinhững ngôi trường

Thầy Hải tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Hà Tĩnh năm 1993, ngay sau đó thầy được điều về giảng dạy tại Trường tiểu học Cẩm Minh trong vòng chín năm. Từ một giáo viên, chỉ hai năm sau thầy Hải được đề bạt lên nhiệm vụ phó hiệu trưởng, thêm một năm sau đó thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Năm 2002 đến nay, thầy Hải liên tục được điều chuyển về năm ngôi trường tiểu học khác nhau, chủ yếu thầy đảm nhiệm chức hiệu trưởng nhà trường. Có một điều đặc biệt là những ngôi trường thầy được điều động đến nhận nhiệm vụ lãnh đạo đều khá khó khăn, cơ sở vật chất chưa đồng bộ và đời sống của người dân còn thấp.

Mỗi nơi đi qua đều lưu lại trong thầy Hải những kỷ niệm đáng nhớ. Thầy Hải kể những năm còn công tác ở Trường tiểu học Cẩm Minh, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Ngôi trường thầy và trò theo học là một dãy nhà cấp 4, nền nhà bằng đất, ngay cả bàn học của học trò cũng đóng một cách sơ sài. Thời điểm đó người dân mù chữ còn nhiều, trong khi học sinh thường xuyên bỏ học.

"Nhận thấy học sinh có nguy cơ bỏ học nhiều nên tôi cùng các thầy cô giáo khác một mặt đến từng nhà người dân vận động họ cho con em đến trường trở lại, một mặt mở các lớp xóa mù chữ cho người dân trong xã", thầy Hải kể.

Từ năm 2019 đến nay, thầy Hải được phân công làm hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh. Ngôi trường này có gần 600 học sinh nhưng có tới hai điểm trường cách nhau 4km. Thầy đã vạch ra kế hoạch quy hoạch điểm trường về một mối, từ đó tham mưu chính quyền địa phương cũng như ngành giáo dục sớm bắt tay vào triển khai.

Dự án xây dựng Trường tiểu học Cẩm Thịnh nhanh chóng được phê duyệt và xây dựng. Năm học 2021 - 2022 thầy trò nhà trường chính thức bước vào học tập, giảng dạy tại ngôi trường mới, khang trang.

Đoàn kết, gắn kết

Ở bất kỳ trường nào, thầy Hải đều luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học; quan tâm đến phẩm chất, đạo đức nghề giáo và hơn hết xây dựng khối đoàn kết trong tập thể nhà trường, sự gắn kết giữa giáo viên, phụ huynh.

"Quá trình làm công tác quản lý ở nhiều ngôi trường khác nhau, tôi đúc rút ra rằng, muốn nhà trường luôn tiến về phía trước thì không thể thiếu tình đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ giáo viên. Muốn vậy trước hết xây dựng niềm tin, quan tâm chăm lo đến đời sống của cán bộ nhân viên nhà trường. Hơn nữa, việc lắng nghe ý kiến từ phụ huynh cũng sẽ góp phần xây dựng nhà trường thêm vững mạnh", thầy Hải nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh): Tâm huyết

Thầy Phan Viết Hải có năng lực tốt trong công tác quản lý; triển khai, chỉ đạo các kế hoạch bài bản, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó chất lượng của học sinh nâng cao rõ rệt. Ngoài ra, thầy Hải cũng là một cán bộ quản lý tâm huyết, có ý thức xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường, từ đó cùng với tập thể cán bộ giáo viên phát huy điểm mạnh, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng có vị thế.

 

LÊ MINH

Theo Nguồn tuoitre.vn

Thầy hiệu trưởng của những trường khó khăn - Giáo Dục