Thanh tra hoạt động xây dựng, làm hạ tầng
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Sở Xây dựng.
Theo kế hoạch, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng cũng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đồng thời, thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với một số khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Việc chậm triển khai xây dựng trường học tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) gây bức xúc trong dư luận (Ảnh: Trần Kháng).
Theo kế hoạch, hoạt động thanh tra của Sở Xây dựng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận có nhiều ý kiến.
Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Sở Xây dựng cũng chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…
Nhiều khu đô thị chưa hoàn thành hạ tầng
Trước đó, theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội năm 2022, thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên. Trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Ở nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa. Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng phổ biến.
Ngoài ra, nhiều khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng…
Sau hơn 10 năm triển khai, khu đô thị Sudico - Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn được xây dựng dở dang, hàng loạt biệt thự vẫn bị bỏ hoang gây lãng phí (Ảnh: Hà Phong).
Theo khảo sát của Dân trí, tại nhiều khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, mặc dù chung cư đã mọc dày đặc nhưng không ít ô đất được quy hoạch xây trường học vẫn bị bỏ hoang, lãng phí. Đơn cử như: Khu đô thị mới Phùng Khoang, khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Ngoại giao đoàn, khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, khu đô thị mới Vân Canh, khu nhà ở Vĩnh Hoàng…
Cá biệt, tại quận Hoàng Mai, dù được giao gần 8ha đất (7 ô) để quản lý, đầu tư xây mới 7 trường công lập khoảng 20 năm về trước, nhưng Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng vẫn chậm triển khai, gây áp lực cho ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận.